TTO - Người Nhật Bản khi gặp nhau thường cúi đầu chào, người Tây Tạng sẽ thè lưỡi như đang trêu nhau, trong khi đó, người Thái Lan lại chắp tay và cúi nhẹ đầu.
Ảnh: Guff
Nếu bạn nghĩ đơn giản rằng khi hai người gặp nhau chỉ chào nhau bằng cách giơ tay và mỉm cười thì có khi bạn đã lầm.
Nhiều quốc gia trên thế giới có những cách chào nhau độc đáo, gây ấn tượng cho du khách quốc tế khi lần đầu được chứng kiến.
Tây Tạng: Thè lưỡi
Những du khách lần đầu đến Tây Tạng, đặc biệt là ở những khu vực xa xôi có lẽ sẽ rất ngạc nhiên khi thấy người dân ở đó ngoảnh mặt vào nhau và thè lưỡi ra như thể đang làm bộ hài hước.
Đây là một kiểu chào hỏi phổ biến của người Tây Tạng.
Phong tục này bắt nguồn từ một truyền thuyết về vị vua Tây Tạng sống trong thế kỷ thứ 9 là Lang Darma.
Vị vua này nổi tiếng với sự tàn ác và có một cái lưỡi màu đen. Người dân Tây Tạng tin vào kiếp luân hồi và sợ rằng vị vua này sẽ tái sinh.
Do đó, trong nhiều thế kỷ, người Tây Tạng mỗi khi gặp nhau đều chào hỏi bằng cách thè lưỡi ra ngoài cốt để chứng minh rằng lưỡi của họ không đen. Và như vậy họ là người tốt, không phải hóa thân của vị vua độc ác.
Ngày nay, không nhiều người Tây Tạng sử dụng cách chào này, nhưng du khách vẫn có thể bắt gặp ở những miền xa xôi, giữa những người địa phương với nhau.
New Zealand: Cọ mũi và trán vào nhau
Ảnh: Kiri Dell/flickr
Nghi thức chào hỏi truyền thống của người Maori ở New Zealand được gọi là Hongi. Người ta thực hiện Hongi bằng cách cọ vào mũi và trán của nhau, sau đó hít vào một hơi nhẹ.
Hình thức chào hỏi này được sử dụng trong các cuộc gặp mặt lớn và quan trọng, tương tự như một cái bắt tay chính thức.
Và đó như là một cách để chủ và khách hoặc hai người bạn trao đổi "hơi thở của cuộc sống". Sau nghi thức đó họ không coi nhau là người xa lạ nữa.
Nhật Bản: Cúi đầu
Ảnh: Thinkstock/Photick
Người Nhật Bản nổi tiếng nhờ những nghi thức xã giao nghiêm ngặt. Một trong số đó là nghi thức chào hỏi khi gặp nhau.
Phổ biến và truyền thống nhất là kiểu cúi đầu, hơi gập người về phía người đối diện.
Trong mỗi trường hợp lại có một quy định rõ ràng về "chuẩn" độ gập người khi cúi chào. Tùy từng mối quan hệ, nghi thức này được thực hiện đồng thời với cái bắt tay kiểu phương tây.
Ukraine: Hôn má 3 lần
Ảnh: Thinkstock/Creatas
Nghi thức hôn nhẹ vào má khi gặp nhau có thể bắt gặp ở nhiều quốc gia.
Nhưng nếu bạn đến Ukraine và chào hỏi một người dân địa phương ở đây thì đừng kết thúc nó quá sớm.
Lý do alf người Ukraine thường hôn 3 lần vào má nhau, bắt đầu trên má trái, sau đó sang phải, và sau đó kết thúc trở lại bên trái.
Philippines: Chạm trán vào bàn tay phải
Ảnh: Philippine Climate Adaptation
Nghi thức chào hỏi phổ biến trong văn hóa Philippines là Mano po hay còn gọi là Pagmamano. Đây là một cử chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương, đặc biệt là với người lớn tuổi.
Tương tự như hôn tay, người trẻ tuổi thường cầm tay phải của người cao tuổi hơn và chạm vào trán mình để tỏ lòng kính trọng.
Pháp: Hôn gió
Ảnh: Thinkstock/Fuse
Đừng nhầm lẫn với nụ hôn sâu lãng mạn của các cặp đôi yêu nhau. Người dân Pháp khi gặp nhau và tạm biệt nhau thường hôn nhẹ qua má nhau 2 lần.
Thái Lan: Chắp tay và cúi người
Ảnh: Tourism Thailand
Người Thái Lan khi gặp và chào hỏi nhau sẽ thể hiện thái độ cung kính chắp tay giống như khi bái Phật và cúi đầu. Khi cúi xuống tránh nhìn thẳng vào mắt đối phương.
Malaysia: Chạm vuốt bàn tay
Ảnh: Inmagine
Nghi thức chào hỏi của người Malaysia được gọi là "namaste". Khi hai người gặp nhau buổi sáng sẽ nói "Salamat pagi", vào buổi chiều nói "saolamat petang" và chạm vào bàn tay của đối phương, sau đó thu tay về trước ngực.
Hành động này tượng trưng cho việc gửi lời chào từ sâu bên trong trái tim.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ