12 nguyên tắc phải nhớ khi du lịch nước ngoài
TTO - An toàn là mục tiêu quan trọng hàng đầu của bất kì chuyến du lịch nào, đặc biệt là những chuyến du lịch hay phượt của giới trẻ ngày nay.
Điều này càng được đặt cao trong những chuyến du lịch nước ngoài. Nếu tuân thủ theo một số nguyên tắc đơn giản, bạn chắc chắn sẽ có thể tận hưởng kì nghỉ của mình và không cần phải lo lắng về tài sản hay sức khỏe.
Nguyên tắc 1: Không trả tiền cách quẹt thẻ
Trong những chuyến du lịch, bạn chắc chắn sẽ mua quà về cho bạn bè, người thân. Nếu không sử dụng tiền mặt hoặc mức sử dụng vượt quá số tiền đổi ra, bạn cũng không nên thanh toán bằng cách quẹt thẻ.
Nếu không muốn bị đánh cắp thông tin, bạn nên cài đặt và sử dụng những ứng dụng thanh toán của Google hay Apple, Samsung. Cách thanh toán này giúp bảo vệ an toàn cho tài khoản của bạn.
Nguyên tắc 2: Đăng kí du lịch với đại sứ quán Việt Nam
Nếu có thể, hãy đăng kí lưu trú với đại sứ quán Việt Nam tại đất nước, lãnh thổ đó ngay khi bạn vừa đến. Nhân viên tại đại sứ quán sẽ lưu giữ thông tin của bạn và liên hệ trong tình trạng cần thiết hay khẩn cấp.
Nguyên tắc 3: Mua bảo hiểm tài sản
Đây là một điều ở Việt Nam không được xem trọng nhưng thực chất lại rất cần thiết trong những chuyến du lịch.
Tài sản có giá trị của bạn như máy tính xách tay, điện thoại hay máy ảnh là những thứ mà những kẻ cắp, trộm luôn nhắm đến. Và hãy nhớ, không nơi nào là thực sự an ninh. Đó chính là lý do bạn cần phải mua bảo hiểm cho các thiết bị trước khi bắt đầu chuyến đi.
Nếu bạn bị đánh cắp hay làm sơ suất làm rơi gây hư hỏng, mất trong chuyến đi, công ty bảo hiểm sẽ bù đắp thiệt hại cho bạn.
Nguyên tắc 4: Đảm bảo an toàn cho các vật phẩm có giá trị
Nếu bạn không chắc chắn rằng phòng ngủ của mình là nơi an toàn cho những vật có giá trị, hãy gửi chúng cho khách sạn khi ra ngoài, và đừng quên lấy biên nhận. Bạn cũng có thể hỏi quản lý về việc đền bù trong trường hợp tài sản bị mất cắp.
Nguyên tắc 5: Lưu số điện thoại người thân và đại sứ quán Việt Nam tại quốc gia, lãnh thổ đó vào điện thoại
Để số điện thoại của người thân ở Việt Nam, số điện thoại sứ quán Việt Nam trên màn hình khóa
Hãy ghi ra tất cả những số điện thoại cần thiết cũng như địa chỉ email bằng ngôn ngữ được sử dụng tại nơi bạn du lịch.
Ngoài ra, để đảm bảo hơn, bạn có thể chụp lại những thông tin đó và để thành màn hình khóa. Trong trường hợp điện thoại bạn đang khóa, người khác sẽ có thể thấy những số điện thoại này và liên hệ khi cần thiết.
Nguyên tắc 6: Không uống bia, rượu với người lạ
Khi du lịch đến một vùng đất khác, bạn sẽ luôn muốn khám phá những điều mới lạ, gặp gỡ và trò chuyện với những người bạn mới, nhất là dân địa phương.
Nếu đi một mình, tốt nhất không uống rượu bia với những người lạ để tránh những tổn thất về tài sản và thiệt hại cho bản thân.
Nguyên tắc 7: Ăn như người địa phương
Nếu không biết nơi nào để ăn ngon ở nước bạn, hãy chịu khó quan sát và bạn sẽ thấy những nơi người địa phương tập trung rất đông đúc. Đó là những nơi bạn có thể ăn với giá dành cho người địa phương và khẩu vị đặc trưng của nơi đó.
Bên cạnh đó, ngày nay, bạn có thể tìm thông tin trên internet những quán ăn nhất định phải ghé và tham khảo qua phần đánh giá. Những gợi ý sẽ dẫn bạn đến những nơi hấp dẫn.
Nguyên tắc 8: Tham khảo người địa phương về điểm đến
Trước khi khám phá một nơi nào đó, bạn phải biết nơi nào nên đi và không nên đi. Người địa phương sẽ gợi ý cho bạn những nơi an toàn, những địa điểm du lịch nên đến của thành phố, những nơi ăn uống và cả những mối nguy hiểm trong khu vực.
Nguyên tắc 9: Ăn mặc và cư xử như người địa phương
Trộm cướp là những thành phần rất tinh mắt và có thể nhận ra một du khách nước ngoài khi họ trong đám đông. Việc ăn mặc và cư xử như người địa phương không chỉ giúp bạn tránh được nhiều rủi ro mà còn giúp bạn có cơ hội khám phá đất nước đó một cách kĩ càng hơn.
Hãy tìm hiểu và tham khảo phong cách ăn mặc của các nước trước khi đến để có thể "hóa trang" thành người địa phương và tránh vi phạm đến văn hóa của các nước.
Nguyên tắc 10: Chuẩn bị những bản copy cho các giấy tờ quan trọng
Mang theo bản sao giấy tờ
Nhiều người nghĩ rằng giấy tờ như hộ chiếu, chứng minh nhân dân nên luôn luôn giữ bên mình. Nhưng đôi khi, đây không phải một ý hay. Khi du lịch nước ngoài, bạn nên để hộ chiếu của mình ở nơi an toàn như két sắt của khách sạn hay gửi tiếp tân thay vì mang theo bên mình.
Trong một số trường hợp xui rủi, bạn không những mất đi tài sản mà còn có thể mất cả giấy tờ. Bên cạnh đó, bạn hãy photo và mang theo các bản sao của giấy tờ khi ra đường.
Nguyên tắc 11: Chia sẻ lịch trình đi cho bạ bè
Trước những chuyến đi, bạn sẽ chuẩn bị lịch trình gồm thời gian, khách sạn, điểm đến... Hãy gửi cho bạn bè và người thân một bản.
Trong suốt chuyến đi, hãy tìm người chia sẻ mỗi ngày về những điểm đến và những thay đổi đột xuất.
Nguyên tắc 12: Cẩn thận với điều khiển TV
Bạn nghĩ toilet là nơi dơ nhất ở khách sạn, nhưng không biết rằng dơ nhất lại là điều khiển TV. Đây là vật dụng mà hầu như khách lưu trú nào cũng sử dụng, và không được lau chùi, vệ sinh sau khi khách trả phòng. Hơn thế, bạn lại luôn tiếp xúc bằng tay với điều khiển TV và thường quên rửa tay lại sau đó.
Để tránh những trường hợp xấu cho sức khỏe của bạn, hãy để chúng vào túi nilon rồi hãy dùng.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ
Chi tiết
Một số kinh nghiệm đi du lịch bằng máy bay với trẻ nhỏ
Kinh nghiệm đi du lịch bằng máy bay với trẻ nhỏ
TTO - Bài viết này sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm đi du lịch bằng máy bay với em bé để dân thích "xê dịch" có con nhỏ có thể tham khảo, đưa ra quyết định phù hợp.
Xe nôi dành cho em bé trên máy bay - Ảnh: Đức Hùng
Trẻ nhỏ, theo các hãng hàng không, được định nghĩa là các em bé có số tuổi nhỏ hơn 24 tháng (tức 2 năm), được bay kèm với bố/mẹ hoặc người được ủy quyền.
Không lo lắng chuyện vé
Về cơ bản, các hãng hàng không từ chối vận chuyển em bé dưới 14 ngày tuổi, em bé có đủ điều kiện bay sẽ được miễn phí vé máy bay nhưng phải trả một số loại lệ phí nhất định vào khoảng 10% giá vé thường (tùy theo hãng bay và hành trình bay).
Ví dụ, tôi đã trả thêm 15 USD cho hãng hàng không giá rẻ Airasia và khá dễ dàng để mua thêm vé em bé kèm vào vé máy bay của tôi đã được xác nhận trước đó đến cả năm.
Như vậy, một trong những lý do rất đáng để quan tâm khi quyết định có nên đi du lịch với bé hay không là trẻ nhỏ sẽ được miễn phí vé máy bay (tất nhiên không phải toàn bộ). Điều này rất có ý nghĩa khi bạn bay hành trình dài với giá vé lên tới trên dưới 1.000 USD.
Cụ thể, khi mức giá vé Hà Nội - Holululu (Bang Hawaii - USA) của tôi là 1.053,4 USD thì mức giá vé của em bé là 140,5 USD, một khoảng cách “đáng mơ ước” giúp tôi có thêm động lực để lên kế hoạch “bay lượn” với em bé của mình.
Một số hành trình nội địa cũng có mức giá khá tốt để tôi quyết định sẽ đi du lịch nhiều hơn với con mà không cần phải cân nhắc quá nhiều đến kinh phí, như Hội An - Đà Nẵng, Huế, TP.HCM hay Đà Lạt.
Nhiều chế độ ưu tiên cho trẻ nhỏ
Một em bé chuẩn bị lên máy bay theo gia đình đi du lịch nước ngoài - Ảnh: Thủy Trần
Các hãng bay luôn có một chế độ ưu tiên đặc biệt dành cho trẻ em nói chung và trẻ sơ sinh nói riêng. Bạn và em bé của mình sẽ được ưu tiên khi lên máy bay bằng lối riêng, thậm chí một số thành viên đi kèm đôi khi cũng được hưởng "ké" quyền ưu tiên đó mà không cần phải xếp hàng.
Em bé cũng sẽ được ưu tiên khi làm thủ tục xuất nhập cảnh cho các chuyến bay quốc tế hoặc đi qua cửa an ninh.
Xe đẩy/xe nôi em bé được đồng ý mang tới tận chân máy bay và nhân viên sẽ chuyển lên khoang hành lý giúp bạn, khi hạ cánh sẽ hoàn trả ngay tại chân máy bay hoặc trả ở băng hành lý. Điều này là hoàn toàn miễn phí.
Thông thường, em bé sẽ được ngồi chung ghế cùng bố, mẹ hoặc người bảo hộ với dây bảo hiểm riêng được gắn với dây bảo hiểm của người lớn. Thuật ngữ bassinet dùng để nói đến dịch vụ xe nôi cho bé trên máy bay rất tiện ích với các chuyến hành trình dài và thường không áp dụng với hàng không giá rẻ hay những chặng bay ngắn.
Tùy theo từng hãng mà trọng lượng em bé tối đa được sử dụng khoảng trên dưới 10kg, ví dụ hãng ANA (Nhật) cho phép tối đa 10kg, VNA (Việt Nam): 11kg, Korean Air (Hàn Quốc): 11kg...
Việc sử dụng dịch vụ xe nôi yêu cầu phải đặt trước, càng sớm càng tốt vì số chỗ có thể lắp đặt xe nôi trên máy bay là hạn chế (tùy theo loại máy bay).
Trong trường hợp các ghế phù hợp đều đã được đặt trước cho trẻ em và cho người khuyết tật cần hỗ trợ đặc biệt thì hãng sẽ thu xếp cho bạn và em bé ngồi ở hàng ghế có khoảng trống rộng, hoặc gần với khu vực tiếp viên để có thể nhận được sự hỗ trợ ngay khi cần.
Dịch vụ xe nôi trẻ nhỏ sẽ được lắp đặt ngay sau khi máy bay đạt độ cao ổn định, bạn có thể đặt em bé nằm ngủ ngoan và yên ổn trong nôi, sau đó dễ dàng tận hưởng các dịch vụ xem phim, nghe nhạc, ăn uống được phục vụ trong suốt hành trình.
Không quá lo việc đáp ứng nhu cầu riêng cho trẻ
Nhà vệ sinh của sân bay Haneda dành cho trẻ em với các trang thiết bị hiện đại - Ảnh: Đức Hùng
Thông thường, các hãng hàng không không cho phép/hạn chế việc mang chất lỏng lên máy bay nhưng với trẻ em, sẽ có một số ưu tiên nhất định. Bạn có thể xếp vào hành lý xách tay của mình nước lọc tinh khiết, bình nước nóng, sữa nước đóng hộp, thậm chí cả cháo, súp.
Một số nơi, bộ phận an ninh sân bay sẽ yêu cầu kiểm tra khá kỹ đồ ăn cho trẻ em trước khi lên máy bay, nhưng đơn giản đó chỉ là thủ tục.
Haneda (Nhật Bản) là một sân bay nối chuyến rất tốt với một nền tảng cơ sở hạ tầng cao cấp. Xe nôi thường gửi thẳng từ điểm đầu đến điểm cuối, vì vậy khi chờ nối chuyến các bà mẹ sẽ sử dụng địu em bé, nhưng nếu thời gian quá dài thì sẽ khá bất tiện.
Nhiều sây bay có rất nhiều xe hàng kèm theo ghế trẻ em sẽ giúp các ông bố, bà mẹ giải quyết nỗi lo lắng này. Sân bay cũng có phòng vệ sinh riêng dành cho em bé với nước nóng, chỗ thay bỉm/tã, thay quần áo cho cả mẹ và bé, sạch sẽ, hiện đại.
Tất nhiên, không phải sân bay nào cũng có một môi trường dịch vụ hoàn hảo, nhưng trong trường hợp đó, các bà mẹ sẵn sàng “bế con” đi du lịch sẽ có nhiều “chiêu” để xử lý vấn đề một cách phù hợp và khôn ngoan.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ
Chi tiết
Những đồ cần mang khi đi du lịch Đông Nam Á
Khi lên kế hoạch cho chuyến đi qua các địa điểm du lịch hàng đầu của Đông Nam Á, bạn chủ yếu cần mang quần áo màu sáng, thoáng mát - Ảnh: travelzoo
TTO - Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thường chỉ có hai mùa mưa và nắng. Vì vậy, nhìn chung, bạn không cần mang quá nhiều đồ khi đến đây du lịch.
Khi lên kế hoạch cho chuyến đi qua các địa điểm du lịch hàng đầu của Đông Nam Á, bạn chủ yếu cần mang quần áo màu sáng, thoáng mát. Ngoài ra, cũng nên lưu tâm đến văn hóa địa phương - mang theo quần dài và áo kín đáo nếu muốn đến thăm các ngôi chùa Phật giáo, nhà thờ Hồi giáo hoặc nhà thờ Thiên chúa giáo.
Mọi thứ khác phụ thuộc vào địa điểm và thời điểm bạn đi.
Vào tháng 4 và tháng 5, thời tiết ở phần lớn các nước Đông Nam Á có xu hướng nóng và khô. Từ cuối tháng 5 đến tháng 10 là thời điểm gió mùa đến và khí hậu cực kỳ ẩm ướt. Từ tháng 11 đến tháng 2, những cơn mưa lại nhường chỗ cho những cơn gió lạnh thổi từ phía bắc.
Hãy tìm hiểu về thời tiết địa phương của nơi bạn sắp đến để chuẩn bị cho phù hợp.
Đi du lịch ở Đông Nam Á, bạn không cần mang đồ quá ấm vì đây là vùng nhiệt đới ẩm. Thay vào đó, hãy mang dép, áo mưa không thấm nước và dù.
Nếu chuyến đi của bạn rơi vào những tháng mùa hè, đừng quên mang theo kính mát và mũ để tránh say nắng. Hãy mang quần áo cotton nhẹ, xăng đan và dép xỏ ngón.
Ngoài ra, nếu ở gần thành phố, bạn hoàn toàn có thể ghé vào các cửa hàng hoặc siêu thị để mua quần áo với giá rất rẻ, thay vì phải mang theo quá nhiều trong hành lý. Tuy nhiên, nếu bạn quá cao hoặc số đo cơ thể quá lớn, hãy tự mang theo quần áo vì hầu hết trang phục tại Đông Nam Á dành cho những người có thân hình nhỏ và vừa.
Vào những tháng trời mát mẻ, bạn có thể mang vài bộ quần áo ấm nếu đến các vùng núi hoặc cao nguyên.
Các thành phố ở khu vực Đông Nam Á thường rất nóng nực. Vì vậy, quần áo thoáng mát là lựa chọn phù hợp nhất dành cho du khách.
Đối với các giấy tờ và tài liệu du lịch quan trọng, hãy sao chép hộ chiếu, giấy phép lái xe, vé máy bay và séc du lịch ra thành ba bản, giữ ở ba vị trí khác nhau. Bằng cách này, nếu có lỡ bị đánh cắp một bản, bạn vẫn còn các bản sao khác.
Hãy giữ bản gốc ở nơi an toàn như trong két sắt ở khách sạn. Ngoài ra, bạn có thể scan các tài liệu này và lưu trong usb hoặc tự gửi mail cho mình để in ra nếu cần thiết.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ
Các hiệu thuốc ở khu vực đô thị có hầu hết dụng cụ cần thiết như sữa tắm, kem chống nắng, gel rửa tay chống vi khuẩn, khăn giấy, chất khử mùi, bàn chải đánh rang, kem đánh răng và dầu gội đầu. Tại đây, bạn cũng có thể mua kem chống nắng và thuốc đuổi muỗi.
Tuy nhiên, đối với các loại thuốc kê toa, bạn nên tự mang thuốc của mình và mang kèm bản sao toa thuốc.
Hệ thống điện ở hầu hết các nước Đông Nam Á sử dụng điện áp khác nhau. Vì vậy, bạn nên mang theo bộ chuyển đổi nếu thiết bị điện tử của bạn không tương thích với điện áp ở khu vực này.
Ngoài ra, bạn có thể mang một ba lô gấp gọn trong hành lý. Loại ba lô này không tốn chỗ và sẽ rất hữu ích nếu bạn cần sử dụng trong chuyến đi.
Chi tiết
5 thành phố bạn không nên đến một mình
Những rủi ro tiềm tàng ở Jakarta có thể biến kỳ nghỉ mơ ước của bạn thành một cơn ác mộng - Ảnh: Cathay Pacific
TTO – Trên thế giới, có nhiều điểm đến rất nguy hiểm và không hề thân thiện với du khách nước ngoài. Các rủi ro mà bạn gặp ở đây không chỉ dừng lại ở các vụ lừa đảo, trộm cắp mà còn liên quan đến bạo lực, khủng bố hay giết người.
Nếu có ý định du lịch đến năm thành phố này, bạn hãy suy nghĩ lại, đặc biệt nếu bạn đi một mình.
Caracas, Venezuela
Ảnh: Business Insider
Với tình trạng bất ổn chính trị và bạo lực triền miên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo các du khách Mỹ tránh xa việc đi du lịch đến Venezuela, kể cả thủ đô của Caracas.
Tình hình trở nên tồi tệ đến mức một số hãng hàng không đã ngừng bay đến Venezuela.
Theo cảnh báo của Bộ Ngoại giao, tình trạng bất ổn chính trị và các cuộc biểu tình thường dẫn đến bạo lực leo thang giữa những người biểu tình và cảnh sát.
Các cuộc biểu tình thường khiến cảnh sát và lực lượng an ninh phản ứng mạnh mẽ bằng cách sử dụng khí cay, phun hạt tiêu, vòi nước và cả đạn cao su.
Ngoài ra, nơi đây cũng có nhiều băng nhóm kích động bạo lực, buôn lậu và giết người.
Trước khi lập kế hoạch đến Venezuela, du khách cần chuẩn bị kỹ lưỡng và phải rất cẩn thận để giữ an toàn cho bản thân.
Bogota, Colombia
Ảnh: World Nomads
Thủ đô sôi động của Colombia, Bogota là một thành phố công nghiệp nằm ở trung tâm.
Được biết đến với việc sản xuất một số loại cà phê và hoa đẹp nhất thế giới, hàng năm có hàng ngàn người Mỹ đến thăm Bogota để nghiên cứu văn hóa, làm việc tình nguyện và du lịch.
Tuy nhiên, đây cũng là một trong những điểm đến nguy hiểm nhất cho khách du lịch phương Tây. Các tổ chức khủng bố, băng đảng ma túy và băng nhóm đường phố có vũ trang xuất hiện thường xuyên trên khắp Colombia.
Theo cảnh báo du lịch của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, du khách đến Colombia nên thận trọng vì các vụ bạo lực, buôn bán ma tuý, tội phạm và bắt cóc xảy ra ở một số khu vực nông thôn và thành thị.
Bạn phải luôn chuẩn bị sẵn kế hoạch để đảm bảo an toàn và có số điện thoại khẩn cấp để nhờ hỗ trợ khi cần thiết.
Thành phố Mexico, Mexico
Ảnh: Lonely Planet
Mỗi ngày, có hơn 150.000 người băng qua biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico một cách hợp pháp để đến thăm gia đình và bạn bè, gặp đối tác hoặc đi du lịch.
Mexico là một điểm đến phổ biến và dễ tiếp cận đối với nhiều du khách. Tuy nhiên, tại thành phố này, có rất nhiều vụ bạo lực nhằm vào du khách đi một mình như trộm cướp, tấn công và thậm chí bắt cóc.
Phụ nữ đi du lịch một mình được khuyên không nên sử dụng giao thông công cộng vào ban đêm vì dễ bị các băng nhóm đến quấy rối.
Ngoài ra, thành phố Mexico còn có mức độ ô nhiễm không khí cao, lượng khói bụi rất nhiều.
New Delhi, Ấn Độ
Ảnh: Golf Channel
New Delhi là một thành phố quốc tế thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến đây không chỉ để du lịch mà còn tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Tuy nhiên, một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với du khách khi đến New Delhi là các vụ tấn công tình dục, đặc biệt là phụ nữ.
Cả Bộ Ngoại giao Anh và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều cảnh báo về vấn nạn này. Không chỉ có du khách đến từ hai quốc gia này mà cả từ Đan Mạch, Đức và Nhật Bản đều chia sẻ về các vụ tấn công tình dục khi đến thành phố Ấn Độ.
Phụ nữ đến New Delhi được khuyên nên đặc biệt cẩn thận và tốt hơn là đi thành nhóm.
Jakarta, Indonesia
Ảnh: Cathay Pacific
Thành phố Jakarta là lựa chọn của những du khách tìm kiếm một kỳ nghỉ thú vị ở vùng đất nhiệt đới với nền văn hoá độc đáo.
Tuy nhiên, những rủi ro tiềm tàng ở Jakarta có thể biến kỳ nghỉ mơ ước của bạn thành một cơn ác mộng. Theo Bộ Ngoại giao Anh, khủng bố và bắt cóc người nước ngoài là hai vấn nạn chính mà du khách cần phải biết khi đặt chân đến đây.
Ngoài ra, Jakarta cũng là khu vực dễ bị động đất và sóng thần do vị trí địa lý đặc biệt.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ
Chi tiết
7 kinh nghiệm quý giá đi du lịch mùa mưa bão không thể bỏ qua
7 kinh nghiệm quý giá đi du lịch mùa mưa bão
TTO - Không ai muốn chuyến đi du lịch của mình bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Nhưng nếu bất ngờ/không tránh khỏi việc đối mặt với mưa bão, một số kinh nghiệm du lịch dưới đây sẽ có ích cho bạn.
Khi đã quyết định hay bắt buộc vẫn phải di chuyển trong mưa bão, hãy chắc chắn cho việc di chuyển an toàn - Ảnh: Đức Hùng
1. Luôn nhớ xem dự báo thời tiết trước chuyến đi để có kế hoạch ứng xử phù hợp. Trong trường hợp thấy mưa bão lớn, có thể xảy ra lũ quét, sạt đường, nhất là khi bạn dự định lên núi hoặc ra biển, đi cắm trại thì thậm chí kế hoạch cần phải hoãn lại, chuyển sang phương án khác để đảm bảo an toàn.
2. Khi đã quyết định hay bắt buộc vẫn phải di chuyển trong mưa bão, hãy chắc chắn rằng phương tiện di chuyển của mình có đủ tiêu chuẩn an toàn, thắng tốt, vỏ xe còn đủ độ bám, đèn xe đủ sáng, xinhan nguyên vẹn, xăng nhớt đầy đủ.
3. Cho dù là ôtô hay xe máy, khi di chuyển trong trời mưa bão hãy luôn nhớ phải tuân theo luật giao thông, di chuyển chậm hơn một chút để chắc chắn luôn kiểm soát được tầm nhìn.
Bật đèn xe để các xe khác có thể nhận ra trong điều kiện thời tiết xấu, xử lý đèn xa gần hợp lý tùy theo thực tế, lưu ý với đèn pha để không làm ảnh hưởng đến xe chạy ngược chiều. Dựa theo ánh sáng phản quang của taluy, hộ lan hai bên đường, hoặc vạch chia đường để di chuyển đúng làn, không gây nguy hiểm cho xe khác.
Di chuyển chậm và đúng làn đường với đèn tín hiệu hợp lý - Ảnh: Thủy Trần
Không bám sau các xe có tải trọng lớn, cồng kềnh để tránh việc nước mưa và bùn đất bắn lên cản trở tầm nhìn của người lái. Không nên di chuyển khi trời mưa quá to và vào ban đêm, đặc biệt lưu ý khi quyết định chạy xe qua ngầm, qua suối phòng tránh các sự cố bất ngờ khó lường.
Sử dụng thắng xe hợp lý, chậm và chắc. Nếu thắng đột ngột trong trường hợp trời mưa, đường trơn sẽ rất nguy hiểm. Không thắng liên tục khi xuống đèo, phải kết hợp thắng nhả hợp lý để không bị mất thắng. Tập trung quan sát và nói chung nên rèn luyện kỹ năng lái xe đường trường.
4. Soạn đồ khi đi du lịch luôn phải đặt trong một lớp túi chống nước hoặc túi nilông bảo vệ trước khi cho vào balô để đảm bảo đồ đạc sẽ luôn được khô ráo, hay ít nhất hạn chế được việc bị ngấm nước. Trang phục mang theo nên là loại nhẹ, mỏng, chống nước và dễ khô. Đừng quên một chiếc khăn quàng cổ và nếu có thể, hãy mang theo một chiếc máy sấy tóc mini.
Đi phượt bằng xe máy lúc nào cũng cần có áo mưa (bộ) mang theo, để ở vị trí dễ lấy ra. Nên có kính trắng chống nước mưa, tránh côn trùng và chống lóa khi chạy xe lúc nhập nhoạng hay tối trời, hoặc dùng mũ bảo hiểm có kính che.
Nếu chạy xe máy tránh mặc áo mưa lòa xòa, vướng víu, dễ gây nguy hiểm khi di chuyển.
Nếu bạn đi ôtô riêng, đừng quên dù và cả áo mưa trong xe để sử dụng khi cần thiết. Nếu đi bằng phương tiện công cộng thì luôn nên có một tấm áo mưa mỏng trong hành lý phòng gặp mưa bất ngờ.
Cẩn thận khi qua ngầm - Ảnh: Thủy Trần
5. Thường dân đi xe máy sẽ sử dụng ủng đi mưa để chống nước, có loại làm bằng nilông khá rẻ và tiện sử dụng. Bạn đừng quên thu gom ủng trong trường hợp không sử dụng nữa và bỏ rác vào đúng nơi quy định, tránh vứt bỏ lung tung ngoài đường.
Nếu không may giày bị ẩm, bạn có thể dùng giấy vệ sinh vo nắm nhét vào lòng giày để thấm nước và phơi ráo nhanh hơn.
Không sử dụng giày cao gót và dép tông, nhất là khi di chuyển trên địa hình phức tạp (đường bùn đất, gập ghềnh) dễ bị trượt chân, tốt nhất hãy sử dụng giày hoặc xăngđan loại kín (nhằm bảo vệ chân).
6. Nếu không may bạn bị cô lập trong mưa bão, trước tiên cần bình tĩnh, tìm vị trí trú ẩn an toàn, không trú mưa dưới gốc cây to hay dừng ở những vị trí nghi có thể sạt lở, tìm sự trợ giúp của nhân dân địa phương.
Trường hợp bị kẹt ngoài đảo như tình huống ở đảo Cô Tô trong đợt mưa lũ vừa qua, hãy thông báo về cho gia đình, cơ quan. Lắng nghe thông tin và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, không tùy ý di chuyển và sáng suốt chọn giải pháp thích hợp.
Kết hợp với dân đảo để nhận được sự giúp đỡ cần thiết nhất.
Khách du lịch tham quan Huế trong mưa - Ảnh: Đức Hùng
7. Hãy biến hành trình mùa bão lụt của mình thành một kỷ niệm đáng nhớ, một trải nghiệm khó quên bằng việc thích nghi với tình huống, tận hưởng và khám phá vẻ đẹp của hành trình trong cơn mưa, bạn sẽ có thêm cơ hội để chuyện trò nhiều hơn với dân địa phương và bạn đồng hành.
Một ví dụ điển hình: nhiều du khách cảm thấy thích thú khi đến với Hội An mùa lụt, và hiện tượng này được nhiều công ty du lịch khai thác như một sản phẩm mới.
Chúc các bạn có một chuyến du lịch thú vị và an toàn.
Nguồn Báo Tuổi Trẻ
Chi tiết