Du lịch Trung Quốc không chỉ nổi tiếng với Vạn Lý Trường Thành hay Phượng Hoàng Cổ Trấn đậm nét cổ xưa. Tại vùng đất tỉ dân này còn có một nét đẹp lâu đời hơn và còn tương đối mới mẻ với du khách, đó chính là các hang động Phật giáo.
Phật giáo và Con đường tơ lụa
Nếu bạn là một tín đồ của du lịch tâm linh thì đây quả là một điểm đặc sắc không thể bỏ qua khi đến xứ Hoa. Điểm đặc biệt của các hang động Phật giáo Trung Hoa đó là các hang động này được hình thành trên Con đường tơ lụa nổi tiếng một thời. Đây là một trong những con đường giao thương lớn nhất và được hình thành sớm nhất nhì trên thế giới. Con đường tơ lụa là nơi để trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và Châu Âu qua các nước Trung Á.
Và cũng chính từ con đường này mà giáo lý cũng như những tư tưởng Phật giáo đã được truyền từ Ấn Độ tới Trung Hoa từ thế kỉ thứ nhất sau công nguyên. Nhờ đó mà ý tưởng khắc họa hình ảnh Phật và các nét đẹp của Phật giáo lên núi đá, hang động đã phổ biến tại đây.
Trải khắp xứ Hoa là hàng trăm địa điểm hang động tráng lệ với những hình ảnh được điêu khắc nghệ thuật ấn tượng. Nếu lựa chọn du lịch Trung Quốc, đặc biệt với hình thức du lịch tâm linh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sự đồ sộ từ các sườn núi đến mặt đá, tất cả đều in dấu ấn hình ảnh Đức Phật và các nét đặc trưng của Phật giáo. Tất cả cùng hòa quện tạo nên những bức tranh tường sống động hàng nghìn năm tuổi. Đây không chỉ là những bằng chứng cho đức tin của con người dành cho Phật giáo mà đó còn là nét đẹp văn hóa, nét lịch sử trường tồn về một xã hội đa văn hóa đã được phát triển dọc theo con đường giao thương hùng mạnh một thời giữa 2 nền văn hóa Đông và Tây.
Sự hình thành của các hang động Phật giáo Trung Hoa
Các hang động Phật giáo Trung Hoa thường được biết đến bởi vẻ đẹp hào quang mang đậm nét tâm linh. Và cũng chính từ nét hào quang này mà các vị sư thời xưa đã chọn những điểm thích hợp để khắc nên các tượng Phật.
Trong các hang động được khai quật, đó là các tượng đá được điêu khắc tinh xảo từ hàng ngàn năm. Những hình ảnh được các nhà sư và những người theo đạo khác lên thường là hàng ngàn vị đức Phật, Bồ Tát, những linh hồn trên con đường đến với đất Phật, nữ thần trên thiên giới Apsara và cả các nhạc sĩ thiên đình.
Các vật liệu được sử dụng để vẽ và tô thêm nét sống động cho các hình ảnh thường được làm từ nguyên liệu quý hiếm như lapis lazuli, chàm và vàng thật được giao dịch dọc theo Con đường tơ lụa.
Ngoài hình ảnh trên thiên giới, hình ảnh về hạ giới cũng được ghi chép và khắc họa trên những bức tường tại đây. Đó là các tu sĩ Ấn Độ với áo choàng trắng, người Trung Á và các nông dân Trung Quốc cày cấy trên đồng.
Trong quá khứ, nhiều hang động Phật giáo ở Trung Hoa đã trở thành tâm điểm của việc thờ cúng và thiền định. Nơi đây không chỉ là điểm cư trú đối với cộng đồng các nhà sư mà còn là nơi để viếng thăm của các khách hành hương và thương nhân.
Thời gian trôi qua, ngày càng nhiều địa điểm hang động Phật giáo, trải dài từ Con đường tơ lụa và vào sâu hơn trongTrung Quốc, được hình thành nên, trang trí phù hợp với sự truyền bá và chấp nhận của Phật giáo trên cả nước. Điều này cho thấy sự phát triển và thay đổi đáng kinh ngạc trong phong cách nghệ thuật Trung Hoa xưa với Phật giáo.
Tuy nhiên, khi hàng thiên niên kỷ trôi qua, và giao thương dọc theo Con đường tơ lụa giảm bớt nhờ vận tải đường biển tăng lên, nhiều hang động đã bị bỏ hoang hoặc rơi vào tình trạng hư hỏng. Có những nơi khác bị phá hủy khi sự thay đổi văn hóa ở Trung Quốc diễn ra. Nhiều hang động trên Con đường tơ lụa bị cướp phá vì kho báu hoặc do ý thức văn hóa, một số đã bị chôn vùi bởi cát cát sa mạc.
Cho đến thế kỷ 19, các hang động bắt đầu được mở trở lại, khi các nhà thám hiểm, khảo cổ từ Trung Quốc và trên thế giới bắt đầu khám phá lại kho báu ẩn giấu đặc sắc này. Và cho đến nay nhiều hang động đã được trùng tu và bảo tồn nhằm phục vụ cho khách thập phương đến du lịch Trung Quốc, để tìm về một nét tâm linh, yên bình cổ xưa một thời.
HyHy
Theo Báo Du lịch