Wechat thực sự là một ứng dụng hiệu quả khi du lịch Trung Quốc. Nó vừa là ứng dụng chat, vừa có thể đặt vé máy bay, khách sạn, vé xem phim, thuê xe đạp… Mọi giao dịch, kể cả mua cốc trà sữa hay quả táo cũng có thể thanh toán qua ứng dụng này bằng cách quét barcode. Tiếc là thẻ nước ngoài không dùng được cho ứng dụng này, nên tôi dùng tiền mặt như cách truyền thống.
Vào chùa cũng dùng mã QR.
Trung Quốc đúng là “đất nước của QR code”, vì xin wifi, mở khóa xe đạp… cũng qua QR. Tất cả những gì bạn cần là một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet.
Bạn không nên mua sim ở sân bay vì giá đắt. Ví dụ sân bay Pudong (Thượng Hải) có bán sim ngay chỗ Ga đến (Arrival Area) đi ra ngoài với giá 200-600 tệ mỗi sim, tương đương 700.000 – 2 triệu đồng (và bị giới hạn dung lượng data). Tôi chọn mua sim ở một cửa hàng China Mobile ở Ô Trấn, chỉ cần mang theo hộ chiếu để đăng ký, giá sim 50 tệ (khoảng 180.000 đồng). Suốt một tuần ở đây sim nghe gọi, vào mạng ổn, đến ngày cuối cùng cũng không phải nạp thêm tiền.
Ổ cắm điện ở Trung Quốc là ổ hai chấu như ở Việt Nam. Phòng khách sạn ở Trung Quốc thường có đến 5-6 ổ cắm điện, nên bạn không cần mang ổ chuyển đổi hay tìm chỗ cắm sạc.
Trừ Thượng Hải, những thành phố còn lại tôi đã đi đều gần như chỉ sử dụng tiếng Trung, kể cả khách sạn, nhà hàng. Cũng may tôi biết chút tiếng Trung, đủ để hỏi đường, gọi món, mua hàng (hỏi giá, mặc cả)… với những câu cơ bản nhất. Biết ngôn ngữ nơi mình đến sẽ có lợi, và rất vui khi hiểu người khác đang nói gì. Ví dụ hôm đi mua váy lúc tôi mặc thử, mấy người bán hàng cứ thì thầm “ni zhen piaoliang” – nghĩa là “xinh gái quá” nên tôi mua luôn.
Bạn nên tải thêm ứng dụng dịch ngôn ngữ Translate (có thể dùng offline) để trong trường hợp bí quá vẫn có thể giao tiếp được.
Một trong những điều thú vị ở Trung Quốc là dịch vụ xe đạp bike-sharing. Giá thuê xe đạp ở đây rất rẻ, chỉ khoảng 1 tệ (3.500 đồng) cho một chuyến đi. Bãi xe đạp ở đâu cũng có, đi xong trả xe ở đâu tùy ý.
Dịch vụ bike-sharing rất phổ biến ở Trung Quốc.
Ở Trung Quốc có rất nhiều nhà cung cấp xe đạp. Mọi người nên tải sẵn ứng dụng từ Việt Nam vì ứng dụng này yêu cầu nhập mã xác nhận qua số điện thoại. Ưu điểm của OFO là thẻ ngân hàng nước ngoài vẫn dùng được (cách sử dụng ứng dụng khá giống uber hoặc grab), khác với một nhà cung cấp khác là MOBIKE, phải trả qua wepay hoặc alipay.
Trừ những dịp đại lễ ở Trung Quốc thì việc đặt trước vé tàu, vé xe là không cần thiết. Tôi di chuyển giữa các thành phố bằng xe lửa và bus, đều ra thẳng bến xe mới mua vé. Cứ khoảng 30 phút lại có một chuyến nên không bao giờ lo hết vé.
Từ sân bay Pudong tôi đi metro đến ga tàu Shanghai South để mua vé tàu đi Hàng Châu. Các chặng còn lại trong hành trình tôi đều đi bus và ra trực tiếp bến mua trước khi đi 15-30 phút.
Trung Quốc khá sạch sẽ, không khí trong lành, mấy ngày ở đây tôi không cần đeo khẩu trang (kể cả lúc đạp xe ngoài đường) và cũng không thấy ai đeo khẩu trang. Đường phố cũng rất thoáng mát, sạch đẹp, nhiều cây xanh, nhất là ở Hàng Châu.
Vườn Yu Yuan ở Thượng Hải.
Các ứng dụng Facebook, Instagram, Gmail, Youtube, Whatsapp, Viber,… đều bị chặn ở Trung Quốc. Nếu bạn muốn sử dụng thì nên tải sẵn VPN trước từ Việt Nam để sang nước bạn có thể truy cập bình thường.
Trung Quốc có rất nhiều vườn, các thành phố sông nước, đền đài… nhưng khá giống nhau, chỉ khác về sự tích, những câu chuyện dân gian kể lại. Nếu bạn không đủ thời gian và tiền, lại là người lần đầu tới du lịch tTrung Quốc, hãy chọn 1-2 nơi lớn và nổi tiếng nhất để đi.
Một phần ăn ở Trung Quốc lớn so với sức ăn của người Việt. Nếu đi hai người bạn chỉ nên gọi 2-3 món (theo tôi 3 món là quá nhiều). Hãy tránh trường hợp no bụng đói con mắt mà gọi thêm món rồi bạn không ăn nổi thì rất uổng. Thêm vào đó, đồ Trung Quốc hơi nhiều dầu mỡ nên dễ bị ngán và tăng cân.